Những Việc Cần Làm Khi Có Vật Thể Lạ Lọt Vào Tai

Đôi tai cực kỳ nhạy cảm và những thương tổn đối với phần bên trong có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nghe của bạn. Để bảo vệ các bộ phận bên trong tai, bạn cần biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp.

Chọc tăm bông vào quá sâu, một viên đá nhỏ mắc kẹt hoặc bọ bò trong ống tai — những vấn đề này nghe thật đáng ngại. Chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến bạn lo lắng, vậy bạn sẽ làm gì nếu chúng thực sự xảy ra? Giữ bình tĩnh và biết rõ cần làm gì trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến tai là ưu tiên hàng đầu. Hoảng loạn hoặc tự gây thêm thương tích có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn và thậm chí là làm thính giác của bạn bị tổn thương.

Tuy rất khó để chuẩn bị trước mọi trường hợp khẩn cấp nhưng bạn có thể cố gắng lập kế hoạch ứng phó với những tai nạn tiềm ẩn. Bọ hoặc dị vật bên trong tai tưởng chừng là điều lạ lẫm và không thể xảy ra, nhưng thà cẩn thận còn hơn phải hối hận. Dưới đây là một số thông tin hướng dẫn cách loại bỏ dị vật và điều cần làm nếu côn trùng chui vào tai.

Có Vật Lạ Mắc Kẹt Trong Tai

Bạn có thể cảm thấy hoảng sợ nếu gặp tai nạn hoặc phát hiện ra con bạn vừa làm một việc liều lĩnh. Tuy nhiên, nhiều trẻ nhỏ và người lớn phải nhập viện do có dị vật trong tai. Tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em vì trẻ chưa đủ nhận thức để xử trí mối nguy hiểm tiềm ẩn. Trẻ có thể bị dính đồ vật, thức ăn hoặc các loại dị vật khác vào miệng, mũi và tai.

Trên thực tế, những đồ vật phổ biến nhất được tìm thấy trong tai là hạt cườm, giấy, cúc áo, thực phẩm như hạt đậu và thậm chí cả cục tẩy cao su. Trẻ em có thể sẽ thử nhét những món đồ đủ nhỏ vào tai. Người lớn có thể bị kẹt đá, tăm bông hoặc ghim cài tóc trong tai.

Các loại pin nhỏ như pin của máy trợ thính có thể bị kẹt trong tai nếu trẻ đặt chúng vào tai. Vấn đề này nghiêm trọng hơn vì pin có thể bị ăn mòn hoặc rò rỉ ra tai, khiến tai bị tổn thương. Đến phòng cấp cứu sớm nhất có thể ngay cả khi bạn đã xoay sở lấy được dị vật ra ngoài. Cần thăm khám để đảm bảo tai không bị tổn thương.

Mặc dù bạn có thể cảm thấy thôi thúc muốn tự lấy dị vật ra ngoài nhưng nên tránh làm vậy, trừ trường hợp việc này không gây đau đớn và an toàn. Ví dụ: bạn có thể cẩn thận nhổ dị vật ra nếu việc kéo này không gây đau đớn. Tuy nhiên, đừng cố lấy khi dị vật bị mắc kẹt bên trong hoặc khi cần dùng tới kẹp forcep. Bạn có thể đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc làm tổn thương phần tai trong. Tuyệt đối không nhét các vật khác vào tai để đẩy dị vật ra.

Nhân viên y tế được đào tạo để lấy dị vật ra khỏi tai và có thiết bị hỗ trợ. Dù việc đi tới phòng cấp cứu có vẻ rắc rối nhưng làm vậy có thể sẽ bảo vệ được thính giác của bản thân hoặc con bạn. Các tình huống này thường xảy ra, đặc biệt là ở trẻ em và nhiều trường hợp không gây hại khi được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, nếu bạn làm cho tình trạng nghiêm trọng hơn thì cơ quan thính giác của bạn có thể bị tổn thương.

Trong Tai Tôi Có Vật Đang Chuyển Động?

Đây có thể là một trải nghiệm vô cùng đáng sợ, đặc biệt là đối với trẻ em. Bọ chui vào miệng, lỗ mũi và tai không phải là chuyện hiếm. Trong một số trường hợp, bọ thậm chí còn có thể bị kẹt trong tai bạn. Mặc dù âm thanh và cảm giác có thể khiến bạn hoảng sợ, nhưng quan trọng là bạn phải giữ bình tĩnh. Lắc đầu mạnh hoặc đập vào tai có thể khiến bọ chui sâu hơn, chích, cắn hoặc kẹp bạn.

Đầu tiên, bạn nên kích thích cho bọ tự bò ra ngoài. Ngồi nghiêng đầu để bọ chui ra ngoài và căng tai để mở rộng ống tai. Sau đó, ngồi yên ở bất kỳ đâu trong khoảng từ năm đến mười phút, thỉnh thoảng lắc đầu nhẹ. Nếu được, hãy cầm một chiếc cốc để ở dưới đầu để hứng bọ nhằm xác định chủng loại. Nếu con bọ không ra ngoài, bạn có thể nhờ người khác chiếu đèn vào tai. Cách này có thể thu hút bọ bò ra. Tuy nhiên, nếu côn trùng bắt đầu chui sâu hơn khi nhìn thấy ánh sáng, hãy tắt đèn pin ngay lập tức.

Để tránh bị thương, hãy thử đổ dầu vào tai để diệt bọ. Bạn có thể dùng dầu khoáng, dầu dành cho em bé hoặc dầu ô liu. Sau khi con bọ chết, bạn có thể thử rửa sạch tai. Không thử cách này nếu bạn có tiền sử mắc các vấn đề về tai nhằm tránh gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn. Đừng cố lấy bọ ra bằng nhíp hoặc tăm bông. Bạn có thể đẩy bọ vào sâu trong tai, chọc tức bọ hoặc làm tổn thương màng nhĩ của mình. Nếu có thể, bạn chỉ cần đến bệnh viện để tiến hành quá trình loại bỏ. Họ sẽ dùng lidocaine hoặc một chất khác để diệt bọ và gắp ra khỏi ống tai của bạn.

Nếu bị bọ cắn, chích hoặc kẹp, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Ngay cả khi lấy được con bọ ra, bạn vẫn cần được chăm sóc y tế. Họ có thể cho bạn dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác để giảm sưng và ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy đây là một trải nghiệm đau đớn song lại không hiếm như bạn nghĩ. Nhiều bệnh viện đã gặp các ca bệnh bị kẹt gián, kiến và các loại bọ khác trong tai. Hãy cứ bình tĩnh và tập trung đưa ra quyết định lý trí. Nếu bạn ở một mình hoặc không đủ can đảm để tự lấy ra, hãy gọi và nhờ người khác đưa bạn đến bệnh viện.

Mất Thính Lực Do Dị Vật

Kẹt dị vật trong tai có thể là một tình huống tương đối vô hại, đặc biệt là khi được xử lý cẩn thận và khôn ngoan. Chỉ cần dị vật chưa làm rách hoặc thủng màng nhĩ thì cơ thể sẽ chữa lành. Ngay cả khi màng nhĩ đã bị tổn thương phần nào thì vẫn có thể lành lại khá ổn. Tuy nhiên, vẫn luôn có khả năng tổn thương thính giác khi dị vật chui vào ống tai. Vì lý do đó, việc giảm thiểu nguy cơ bị mất thính lực có vai trò vô cùng quan trọng.

Như đã đề cập ở trên, không nhét bất cứ thứ gì khác vào tai và không đổ dầu, nước hoặc cồn vào tai nếu bạn có tiền sử mắc các vấn đề về thính giác. Nhiều trường hợp dị vật trong tai vô hại đã trở nên nghiêm trọng hoặc chuyển biến xấu hơn do sự can thiệp của người chưa qua đào tạo. Kết cục là mọi người tự làm đau bản thân để tránh phải đến bệnh viện và cha mẹ có thể gây tổn hại đến con mình khi cố giúp đỡ.

Bởi lẽ đó, điều quan trọng là bạn cần được hỗ trợ y tế. Tiền bạc, thời gian và phiền hà không thể sánh được với thính giác của bạn. Bạn chỉ có một đôi tai, vì vậy hãy cố gắng hết sức để chăm sóc chúng.

Bạn không thể lường trước được những vấn đề này, nhưng bạn có thể cố gắng tránh. Không để trẻ nhỏ nghịch hạt cườm, một số loại đồ chơi cụ thể, hạt đậu hoặc các đồ vật nhỏ khác. Không đưa đồ vật có khả năng thuộc loại gây nguy cơ nghẹt thở hoặc dễ đưa vào tai cho trẻ. Luôn theo dõi khi trẻ nhỏ ăn uống.

Người lớn nên tránh sử dụng tăm bông và kẹp tóc để lấy ráy tai. Khi hàm chuyển động, ráy tai sẽ được loại bỏ một cách tự nhiên và bạn có thể đến gặp chuyên gia để loại bỏ các chất tích tụ. Nếu gặp vấn đề với bọ nhỏ trong nhà, hãy gọi cho dịch vụ diệt côn trùng. Những người thường xuyên cắm trại hoặc ngủ ngoài trời phải luôn đeo nút tai khi ngủ để tránh côn trùng chui vào tai.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách chăm sóc đôi tai, hãy cân nhắc tham gia trang thông tin về sức khỏe thính giác. Bản tin Signia sẽ thường xuyên cập nhật cho bạn các bài viết về tai, mất thính lực cùng nhiều thông tin khác 

Go to the top