Hướng Dẫn Cơ Bản về Tình Trạng Mất Thính Lực & Máy Trợ Thính

Dù bạn có bị mất thính lực hay không, bạn cũng cần nắm được những điều cơ bản về mất thính lực, cách thức hoạt động của máy trợ thính và cách chọn máy trợ thính. Thông tin này có thể giúp bạn kết nối với các thành viên gia đình và bạn bè hoặc hiểu thêm về bản thân.

Khi nói đến mất thính lực và máy trợ thính, có rất nhiều thông tin sai lệch. Mất thính lực không chỉ xảy ra với người già và máy trợ thính không nhất thiết phải có kích thước lớn và không đẹp mắt. Mất thính lực không phải lúc nào cũng có biểu hiện là điếc và không phải ai bị mất thính lực cũng có thể sử dụng máy trợ thính. Càng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng mất thính lực và cách thức diễn ra, bạn càng có thể hiểu rõ hơn về tình trạng của chính mình hoặc trải nghiệm của những người xung quanh bạn. 

Có rất nhiều điều cần tìm hiểu về mất thính lực và hàng năm đều có nhiều phát hiện mới. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hướng dẫn này sẽ cho bạn biết những kiến thức cơ bản về tình trạng mất thính lực, máy trợ thính và các chuyên gia chăm sóc thính giác (Hearing Care Professional, HCP). Bạn có thể dựa vào đó để tiếp tục và bắt đầu nghiên cứu của chính mình!

Mất Thính Lực Là Gì?

Đúng như tên gọi, mất thính lực là khi thính giác của một người bị ảnh hưởng xấu. Nguyên nhân có thể là do tuổi tác, tiếp xúc với tiếng ồn, bệnh tật hoặc vấn đề di truyền. Mất thính lực được chia thành một vài loại khác nhau với những tác động khác nhau lên người mắc. Hầu hết các loại mất thính lực đều kéo dài vĩnh viễn. Tuy nhiên, cũng có một số loại diễn ra tạm thời do dị ứng, tắc ráy tai và thậm chí là khối u.

Các Loại Mất Thính Lực

Có ba loại mất thính lực chính: bệnh lý thần kinh giác quan, dẫn truyền và thính giác. Mỗi loại lại ảnh hưởng đến người bệnh theo một cách khác nhau nên người mắc chứng mất thính lực thần kinh giác quan có thể trải qua những điều hoàn toàn khác so với người mắc chứng mất thính lực dẫn truyền. Ngoài ra cũng có những ca bệnh hỗn hợp mà người bệnh mắc nhiều loại mất thính lực.

Mất thính lực dẫn truyền có hiểu hiện đặc trưng là tắc hoặc có vấn đề ở tai giữa. Ráy tai, dịch tích tụ và tắc nghẽn có thể ngăn sóng âm truyền đến tai trong, từ đó gây mất thính lực. Sự phát triển của xương và khối u cũng có thể gây mất thính lực dẫn truyền. Tuy nhiên, nhiều ca bệnh trong số này có thể chữa khỏi và nghe bình thường trở lại.

Mất thính lực thần kinh giác quan liên quan đến các dây thần kinh ở tai trong. Ốc tai được lót bằng các tế bào lông, những tế bào này giúp bạn xác định âm lượng và tần số của âm thanh nghe được. Nếu các tế bào này bị tổn thương, bạn sẽ bị mất thính lực vĩnh viễn. Đây là dạng mất thính lực vĩnh viễn thường gặp nhất và có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Bệnh lý thần kinh thính giác liên quan đến dây thần kinh có chức năng gửi âm thanh đến não. Sau khi sóng âm đi vào tai, chúng sẽ được gửi đến não để xử lý. Tuy nhiên, nếu các dây thần kinh gửi những tín hiệu này bị tổn thương, thính giác sẽ bị ảnh hưởng. Một số căn bệnh nhất định có thể dẫn đến bệnh lý thần kinh thính giác và có thể xảy ra ở trẻ em.

Mất thính lực hỗn hợp thường dùng để chỉ các trường hợp mắc cả chứng mất thính lực dẫn truyền và chứng mất thính lực thần kinh giác quan. Trong khi tình trạng mất thính lực dẫn truyền thường có thể chữa khỏi được, tình trạng mất thính lực thần kinh giác quan lại đòi hỏi phải sử dụng các phương pháp điều trị khác.

Nguyên Nhân Gây Mất Thính Lực

Nguyên nhân gây bệnh có thể khác nhau tùy vào loại mất thính lực và người mắc. Ví dụ: một người trẻ tuổi bị điếc từ khi sinh ra có thể đã bị bệnh khi còn nhỏ hoặc bẩm sinh đã bị như vậy. Trong khi đó, một người mất dần thính lực theo thời gian có thể bị mất thính lực thần kinh giác quan do tuổi tác hoặc tiếp xúc với tiếng ồn.

Ngoài những điều trên, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thính lực.

Tuổi tác. Khi già đi, các giác quan của chúng ta bắt đầu suy giảm. Nhiều người bắt đầu đeo kính khi có tuổi còn những người khác thì bắt đầu đeo máy trợ thính. Đó là điều bình thường.

Tiếp xúc với tiếng ồn. Nếu bạn làm việc trong ngành xây dựng, phục vụ trong quân đội hoặc tham dự nhiều buổi hòa nhạc, bạn có nguy cơ mất thính lực cao hơn người không tham gia những hoạt động như vậy. Gây căng thẳng quá độ cho đôi tai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động của thính giác theo thời gian.

Di truyền. Gần như không thể dự đoán chính xác ảnh hưởng của yếu tố di truyền lên trẻ em. Một số trẻ sinh ra đã không có khả năng nhìn hoặc nghe và ta cần chấp nhận khía cạnh này.

 
Bệnh tật. Một số bệnh nhất định có thể gây mất thính lực, đặc biệt là nếu mắc bệnh khi còn là trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Người lớn cũng có thể mất thính lực do nhiễm trùng.

Cách Ngăn Ngừa Mất Thính Lực

Ngăn ngừa mất thính lực không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số loại mất thính lực không thể ngăn ngừa được mà chỉ có thể điều trị và giảm nhẹ. Âm thanh phát ra do chứng ù tai có thể loại bỏ được và máy trợ thính mang đến những cách nghe mới cho người dùng.

Đối với mất thính lực thần kinh giác quan, tức loại mất thính lực thường gặp nhất, chúng ta có thể phòng ngừa ở một mức độ nào đó. Việc đeo bịt tai và nút tai khi tham gia buổi hòa nhạc, đua xe và các tình huống có âm thanh to khác đóng vai trò rất quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân yêu làm việc trong môi trường có âm thanh to, hãy đảm bảo sử dụng trang bị bảo hộ phù hợp. Tuy mất thính lực có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng đối với những người có biện pháp tự bảo vệ mình thì mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn.

Máy Trợ Thính Giúp Bạn Nghe Như Thế Nào?

Máy trợ thính là phương pháp điều trị hàng đầu cho tình trạng mất thính lực, đặc biệt là mất thính lực thần kinh giác quan. Máy có thể được dùng để điều trị các tình trạng mất thính lực từ nhẹ đến rất nặng và có nhiều loại máy trợ thính khác nhau phù hợp với các đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, máy trợ thính không chỉ giúp mọi người nghe tốt hơn. Các tính năng mới gần đây đã biến máy trợ thính trở thành những thiết bị quan trọng đối với những người bị ù tai. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, sử dụng máy trợ thính cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.

Cơ chế hoạt động của máy trợ thính rất đơn giản: chúng thu và khuếch đại sóng âm thanh để ốc tai có thể hoạt động bình thường. Nhờ đó, người đeo có thể dễ dàng xử lý âm thanh hơn. Họ cải thiện được khả năng hiểu lời nói và không cần gắng sức để lắng nghe thế giới xung quanh. Nhiều người bị mất thính lực than phiền rằng họ kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Sở dĩ có điều này là do họ luôn phải căng tai để nghe, thậm chí trong vô thức. Việc này gây căng thẳng cho não bộ, khiến cơ thể mệt mỏi và rã rời.

Với máy trợ thính, cuộc vật lộn đó gần như không còn cần thiết nữa.

Các Loại Máy Trợ Thính

Dù máy trợ thính không thể giúp giảm nhẹ một số trường hợp mất thính lực nhưng có thể mang lại lợi ích cho hầu hết những người bị mất thính lực. Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm về máy trợ thính khiến nhiều người chọn không đeo, Họ có thể cảm thấy rằng máy trợ thính quá vướng víu hoặc không phù hợp với hình ảnh của bản thân. Trước đây, máy trợ thính có kích cỡ khá lớn nhưng công nghệ hiện tại đã giúp máy nhỏ đi đáng kể và có thiết kế hấp dẫn hơn.

Máy trợ thính có rất nhiều loại. Mỗi loại đều có những lợi ích riêng và một số loại nhất định có thể mang lại lợi ích cho một số người nhiều hơn những loại khác. Việc lựa chọn thiết bị phù hợp tùy thuộc vào bạn và chuyên gia chăm sóc thính giác của bạn. Hãy cùng xem xét các loại máy trợ thính chính.

Đeo sau tai hay BTE (Behind-The-Ear). BTE là một trong những mẫu máy phổ biến nhất nhờ độ linh hoạt và đa dạng chức năng. Đúng như tên gọi, loại máy này được gài sau tai và có một ống mảnh trong suốt đi vào tai. Máy rất dễ tháo, vệ sinh, sửa chữa và có kiểu dáng đa dạng.

Bộ thu nhận trong ống tai hay RIC (Receiver-In-The-Canal). Máy nằm thoải mái ở phía sau tai nhưng không giống như BTE, loa hay còn gọi là “bộ thu nhận” của RIC nằm ở phần cuối của dây luồn tai mảnh, mang tới trải nghiệm nghe vượt trội và tiêu thụ ít năng lượng hơn. Một số mẫu máy như Styletto Connect mới của Signia được thiết kế với diện mạo như một món đồ trang sức công nghệ hoặc đeo tai đắt tiền. Máy dùng cho các trường hợp mất thính lực từ nhẹ đến vừa phải.

 
Trong Tai và Trong Ống Tai hay ITE (In-The-Ear) và ITC (In-The-Canal). Máy phù hợp nhất cho trường hợp mất thính lực nghiêm trọng và vừa khít trong tai hoặc ống tai. Tuy vẫn có thể thấy khi nhìn nghiêng nhưng người đeo có thể có thể cá nhân hóa hoặc ngụy trang máy theo ý muốn.

Hoàn toàn trong ống tai hay CIC (Completely-In-The-Canal). Đây là loại máy trợ thính siêu nhỏ nằm gần như hoàn toàn trong tai. Máy gần như vô hình và phù hợp với những đối tượng không muốn người khác nhìn thấy máy trợ thính của mình.

Một số loại máy trợ thính nhất định có thể không phù hợp với bạn, tùy theo độ nghiêm trọng của tình trạng mất thính lực. Bác sĩ thính học đã qua đào tạo có thể cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về loại máy trợ thính bạn có thể sử dụng và loại phù hợp nhất với bạn. Nếu bạn muốn xem minh họa về các mẫu máy hiện tại và phụ kiện thì Signia có danh mục nhiều loại máy trợ thính khác nhau.

Nếu bạn chưa có chuyên gia chăm sóc thính giác, muốn được giới thiệu đến một chuyên gia hoặc đổi nhà cung cấp, thì điều quan trọng là bạn cần tìm một người đáng tin cậy. HCP sẽ hỗ trợ đối với mọi bước trong quá trình lựa chọn, mua và lắp máy trợ thính cũng như điều chỉnh, sửa chữa và vệ sinh sau đó. Quy trình tìm kiếm một HCP sẽ đơn giản hơn khi được hỗ trợ và Công Cụ Định Vị Cửa Hàng Signia với công nghệ GPS sẽ giúp bạn tìm được chuyên gia đã qua đào tạo ở gần bạn.  

Go to the top